Nội dung chính
1. “Con không muốn cha mẹ cãi nhau”
Đôi khi vì quá nóng giận mà các bậc phụ huynh thường cãi nhau khi có mặt của con trẻ. Điều này không chỉ gây khó xử cho các con, đem đến không khí nặng nề trong gia đình mà còn gây ảnh hưởng đến nhân cách về sau của trẻ.
Khi còn nhỏ, các con có xu hướng bắt chước hành động và lời nói của bố mẹ. Nếu phụ huynh giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong gia đình bằng việc to tiếng, cãi vã hay bạo lực thì sau này con bạn cũng sẽ xử lý vấn đề một cách tương tự, vì hành động đã được sao chép và ăn sâu trong tiềm thức của con.
Vì vậy, phụ huynh cần tuyệt đối tránh cãi vã khi có mặt con trong nhà, hãy xử lý vấn đề một cách ôn hòa và nhã nhặn.
2. “Con muốn được đối xử công bằng”
Công bằng ở đây không có nghĩa là công bằng mọi thứ giữa con với anh em trong nhà và con với bạn bè. Phụ huynh hãy giúp các con bù đắp những điểm yếu của nhau, tôn trọng và lắng nghe ý kiến mà chúng đưa ra để từ đó chứng minh cho chúng thấy, cha mẹ dành yêu thương cho tất cả chứ không riêng gì một thành viên nào.
3. Cha mẹ không nên nói dối
Bạn có tự chắc chắn rằng mình chưa hề nói dối lần nào? Vậy tại sao bạn lại la mắng khi con nói dối bạn. Như đã nói từ trước, con trẻ luôn có xu hướng học theo cha mẹ, vì thế nếu bạn không muốn con có tật nói dối thì tốt nhất đừng bao giờ nói dối người khác khi có mặt con ở đó.
4. “Con muốn ba mẹ là người khoan dung, tốt bụng”
Khi bạn có lòng tốt với mọi người xung quanh, trẻ sẽ học được điều đó trong cách cư xử của mình với mọi người. Khoan dung đôi khi còn là khoan dung với chính lỗi lầm của con, thay vì trách mắng, bạn hãy chỉ ra lỗi sai của con ở đâu và để con tự giải quyết những vấn đề mà con đã gây ra. Ba mẹ có mặt chỉ với vai trò là người hỗ trợ
5. Niềm nở với các bạn của con
Con bạn hẳn sẽ rất vui khi đưa bạn về nhà và được bố mẹ tiếp đón nồng nhiệt, chúng sẽ tự hào về bạn rất nhiều. Bằng cách niềm nở với bạn của con, phụ huynh sẽ biết rõ được con chơi thân với ai? ai là người bạn con nên gắn bó lâu dài? Giúp con có định hướng rõ ràng trong việc giao lưu kết bạn.
6. Ba mẹ cùng xây dựng tinh thần tập thể cho con cái
Trước hết là xây dựng tính tập thể từ trong gia đình, tạo ra một vài trò chơi mang tính đoàn kết cao hay để con tham gia các công việc trong nhà để chứng tỏ con cũng là một thành viên. Công việc này tiến hành càng sớm với con càng tốt. Từ phạm vi gia đình, ý thức tập thể cũng từ đó lan ra môi trường học đường của con.
7. Lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con
Đừng lấy lý do là bạn quá bận mà không dành ra vài phút để nghe con nói hay giải đáp thắc mắc mà con đang gặp phải. Đây là tình trạng chung của không ít ông bố bà mẹ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
8. Không kỷ luật con trước mặt người ngoài
Điều này đặc biệt cấm kị ngay cả khi trước mặt bạn bè của con. Dù con có nhỏ bé đến đâu thì chúng cũng có lòng tự trọng, có cái tôi riêng mình và cần được bố mẹ tôn trọng.
9. Cha mẹ hãy nhìn vào ưu điểm thay vì trách mắng nhược điểm của con
Phụ huynh hãy nhìn nhận con là một cá nhân riêng biệt, có điểm mạnh và điểm yếu riêng, do vậy đừng mang con ra so sánh với anh em chúng hoặc bạn bè chúng. Hãy nhìn vào những gì con đã làm được và tìm cách cùng con hạn chế những điểm yếu. Từ đó con sẽ cảm thấy chúng được tôn trọng và là một cá nhân độc lập, có cá tính.
10. Ba mẹ đừng nên quá khắt khe
Không phải cứ la mắng kỷ luật là con sẽ nghe lời bạn và trở nên ngoan ngoãn, thay vào đó sự bướng bỉnh sẽ ngay càng lớn dần lên trong tính cách của đứa trẻ. Linh động, mềm dẻo nhưng không phá vỡ những quy tắc bạn đã đặt ra sẽ là phương án tốt nhất để con thấy được hành động của bạn cũng là vì muốn tốt cho chúng.
Để lại bình luận