Hẳn là không ít phụ huynh cảm thấy bế tắc khi con lười học hay không tập trung trong quá trình học. Vậy làm cách nào để giúp con ham học hơn? Thử tham khảo các cách sau trong bài biết dưới đây nhé.
1. Nguyên nhân khiến trẻ lười học
Lý do khách quan: Môi trường học xung quanh làm học sinh phân tán tư tưởng. Đó có thể là không gian học tập thiếu khoa học, bàn học lộn xộn, không đủ dụng cụ khi học, hay đơn giản là thời gian học không thích hợp khiến cho trẻ mất tập trung.
Lý do chủ quan: Học sinh không có mục tiêu trong quá trình học của mình vì thế không có hứng thú hay sự cố gắng trong suốt quá trình rèn luyện. Chính vì không có kế hoạch cụ thể cho việc học tập, các em thường học theo kiểu “đối phó” làm cho xong, không có hứng thú khi ngồi vào bàn học. Bên cạnh đó, học sinh thiếu những kỹ năng như: kỹ năng học tập, tập trung và thiếu khả năng ghi nhớ cũng là nguyên nhân khiến các em lười học
2. Các cách giúp trẻ hết lười học
Cách đầu tiên là bố mẹ hãy tạo cho trẻ một không gian học tập mới với đầy hứng thú.
– Góc học tập yên tĩnh, đủ ánh sáng, thoáng mát và tuyệt đối không có những hình ảnh làm trẻ thiếu tập trung như: sân chơi, đường phố, hay anh chị em, bố mẹ đi lại nơi trẻ đang ngồi học
– Bàn học phù hợp với chiều cao cơ thể của mỗi bạn học sinh, trên bàn phụ huynh hãy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và để chúng ngăn nắp, gọn gàng, không bày bừa quá nhiều.
– Thời gian để học tốt nhất là vào đầu giờ chiều hoặc từ 7h30 đến 8h30 tối. Phụ huynh hoặc gia sư nên kết hợp với thời gian học là thời gian giải lao từ 5 đến 10 phút để các con có thời gian nghỉ ngơi trí não. Với những bạn học sinh có khả năng ghi nhớ kém, trước khi ngồi vào bàn học sau giờ nghỉ ngơi nên để các em chơi trò chơi trí tuệ để khơi dậy khả năng làm việc của não bộ.
Sau khi đã có không gian học tập đầy đủ dụng cụ, yên tĩnh thì việc tiếp theo phụ huynh hoặc gia sư nên làm là xác định mục tiêu học cho con. Bạn đừng nghĩ mục tiêu đó là thứ gì lớn lao, chỉ đơn giản hệ thống hóa những việc các con cần phải làm trong thời gian của ngày hôm đó. Ví dụ như: Hôm nay học bài gì? Cần chuẩn bị gì cho bài ngày mai? Các con cần phải làm xong bài tập trong thời gian bao lâu? …
Những cách trên đây mới chỉ dừng lại ở việc tạo môi trường thuận lợi trong quá trình học của học sinh. Để giúp các em có tinh thần ham học thì rèn luyện các kỹ năng học tập như kỹ năng tập trung, ghi nhớ là điều cực kỳ quan trọng.
– Rèn kỹ năng học tập: Hãy luôn động viên các em ngồi vào bàn học và không mắng mỏ hay chê trách khi chúng làm sai, nhanh quên bài. Thời gian đầu khi chưa có thói quen ngồi vào bàn học, gia sư hoặc phụ huynh chỉ nên cho con học trong vòng 30 phút, sau đó khi đã quen dần thì có thể tăng lên từ 1 đến 1 tiếng rưỡi.
– Rèn kỹ năng tập trung: Đây là kỹ năng đòi hỏi gia sư hay phụ huynh phải kiên nhẫn, chú ý thường xuyên đến học sinh. Mỗi khi có các dấu hiệu lơ đãng hãy nhắc nhở ngay để tạo thói quen giảm tần suất mất tập trung của các em xuống. Những trò chơi mang tính tư duy kết hợp với bài học sẽ là điều tuyệt vời để các em có hứng thú với việc tiếp nhận kiến thức hơn.
– Rèn kỹ năng nhớ: Khoa học đã chứng minh kiến thức khi được biểu thị bằng hình ảnh hoặc ví dụ cụ thể sẽ khiến người tiếp nhận nhớ lâu hơn so với những dòng chữ cứng nhắc thông thường. Hãy giúp trẻ sơ đồ hóa bài học, đưa ví dụ cụ thể trong những bài tập khó để trẻ có thể nhớ lâu hơn. Buổi tối trước khi đi ngủ để trẻ học thuộc bài và kiểm tra thêm lần nữa vào sáng ngày hôm sau.
Mong rằng với những cách trên đây sẽ giúp các em có tinh thần ham học hơn. Để có được sự thay đổi đó ở học sinh thì phụ huynh và gia sư đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường, rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, sự bình tĩnh và kiên trì là điều vô cùng quan trọng.
Để lại bình luận