Chương trình lớp 9 có lượng kiến thức rất nặng vì thế học sinh chưa có kế hoạch học tập và phân bố thời gian học tập môn văn hợp lí.
Khi nhắc tới chương trình lớp 9 thì có thể nghĩ ngay tới việc học sinh phải đối mặt với một lượng kiến thức rất lớn, đó không chỉ là những bài tập trên lớp mà còn áp lực về lượng bài tập ra về nhà. Ở trên lớp các em không phải chỉ học mình hai môn văn, toán mà các em còn phải học các môn khoa học khác như sử, địa, lí, hóa, nhạc, họa, thể dục, giáo dục công dân….
Vì thế việc phân bổ thời gian của các em dành cho các môn học đã chiếm trọn gần hết thời gian các em có. Nếu nhiều em học sinh không có kế hoạch học tập tốt thì rất dễ có kết quả học tập không tốt và luôn loay hoay trong việc tìm giải pháp làm thế nào để phân bố thời gian học tập hiệu quả. Đặc biệt những em học sinh yếu môn văn, không có sự yêu thích, say mê khi học văn nhất là các em học sinh nam thì kết quả học tập của các bạn ấy cực kì không tốt.
1. Rất thụ động trong việc ghi nhớ các kiến thức văn bản
Văn bản là yếu tố đầu tiên các em học sinh được học trong mỗi tiết học văn, vì đó là nền tảng cho việc hình thành các kiến thức để các em có thể biết tạo lập một bài văn hoặc đoạn văn. Đồng thời văn bản cung cấp cho các em kiến thức về các tác giả, tác phẩm ở các thời đại văn học khác nhau tạo cho các em cái nhìn khách quan về cuộc sống và thế giới hơn, dạy cho mình biết yêu thương, biết sẻ chia, biết tới sự hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ, người thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước từ xưa đến nay.
Tuy nhiên để ghi nhớ các kiến thức về văn bản cũng là một điểm khó khăn đối với tất cả các bạn học sinh lớp 9.
– Luôn bị nhầm lẫn bởi các yếu tố của văn bản cụ thể đó là năm sáng tác và tên tác phẩm, tên tác giả, thời kì sáng tác vào chống Pháp hay chống Mỹ, độc lập hay đang còn khó khăn.
Ví dụ: Đồng chí là của nhà văn Phạm Tiến Duật, viết năm 1969; hay Bếp lửa của Nam Cao viết năm 1958.
– Chưa thuộc được các bài thơ và một số chi tiết quan trọng trong tác phẩm truyện
Ví dụ: Khi nêu về những phẩm chất của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long thì chỉ nêu ra được phẩm chất là yêu nghề, say mê với công việc; có tinh thần lạc quan yêu đời; khiêm tốn; hiếu khách; quan tâm chu đáo… Nhưng không đưa được các dẫn chứng là những phẩm chất ấy được thể hiện như thế nào trong văn bản.
– Chưa hệ thống được các kiến thức về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề thành một hệ thống các luận điểm theo chủ đề để học.
Ví dụ: Trong ngữ văn 9 thường chia thành các tiêu đề nhỏ như: truyện trung đại, truyện hiện đại, thơ hiện đại, văn bản nhật dụng, văn bản nước ngoài. Học sinh có thể dựa vào đó để thống kê lại một cách chi tiết và tỉ mỉ nội dung học tập về kiến thức văn bản. Từ đó xây dựng cho mình một bảng nhỏ về phần đọc hiểu văn bản: tên phẩm, tên tác giả, năm sáng tác, nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa nhan đề.
2. Nhầm lẫn giữa các vấn đề trong văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học.
Nghị luận xã hội và nghị luận văn học là hai phần quan trọng trong kiến thức làm văn của ngữ văn 9, tuy nhiên có một số vấn đề trong bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học học sinh chưa phân biệt được cụ thể và chưa biết cách làm từng dạng đề như thế nào?
– Chưa phân biệt được đâu là dạng đề nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống, đâu là nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
Ví dụ: Đề bài: Ô nhiễm môi trường là hiện tượng đáng báo động của nước ta hiện nay? Em có suy nghĩ gì về vấn đề này? Đề này là nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống, nhưng nhiều học sinh lại không biết đây là nghị luận về một hiện tượng trong đời sống. Đồng thời khi biết dạng đề nào rồi lại không biết cách làm như thế nào?
– Không biết cách làm một đoạn văn hay một bài văn về kiểu bài nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống, tư tưởng đạo lí, một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.
– Chưa phân biệt được đâu là dạng đề phân tích, cảm nhận, suy nghĩ.
Đây là 3 dạng đề thường gặp nhất trong nghị luận văn học, cả 3 dạng đề này thực ra đó là đều phải sử dụng các thao tác nghị luận như phân tích, chứng minh, bình luận để làm rõ nội dung tác phẩm, đi sâu vào từng chi tiết, từng hình ảnh, để nêu bật nên giá trị nghệ thuật và thông điệp mà tác giả gửi đến người đọc. Nhưng ba dạng đề chỉ khác nhau ở việc là phân tích thì người viết phải đi sâu và phân tích cụ thể từng vấn đề trong tác phẩm, còn cảm nhận, suy nghĩ thì người viết có thể thiên về nhìn nhận, đánh giá của mình nhiều hơn.
Ví dụ: Trong tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long thì có 3 dạng đề hay nhầm lẫn.
1. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long?
2. Suy nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “ Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long?
3. Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của người dân Sapa thông qua nhân vật anh thanh niên qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa”
– Khi đề yêu cầu viết đoạn văn với các phương thức lập luận: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp kèm theo đó là có một số yêu cầu nhỏ về tiếng việt như có sử dụng phép thế, phép lặp, câu đơn mở rộng thành phần, câu có khởi ngữ… thì học sinh còn lúng túng.
3. Chưa nắm chắc các kiến thức về tiếng việt.
– Rất khó phân biệt và hay nhầm lẫn giữa các biện pháp tu từ nhất là ẩn dụ và hoán dụ.
Ví dụ:
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
Học sinh nhầm lẫn “áo chàm” là ẩn dụ nhưng thực chất “áo chàm” là hoán dụ chỉ hình ảnh những người dân miền núi ở Việt Bắc, chia tay cán bộ về xuôi.
– Chưa biết đâu là khởi ngữ, các thành phần biệt lập
Trong tiếng việt khởi ngữ là thành phần nêu lên chủ đề trong câu, thường có từ về, đối với. Còn các thành phần biệt lập có 4 thành phần: tình thái, cảm thán, gọi đáp, biệt lập.
Ví dụ: Đối với công việc, anh ấy rất chăm chỉ => Đối với công việc chính là khởi ngữ nêu lên chủ đề công việc .
Hoặc: Giàu, tôi đã giàu rồi! => Giàu chính là chủ đề câu nói tới.
– Cần phải lưu ý một số phần liên quan đến thi: các phép liên kết trong câu (phép lặp, phép nối, phép thế, phép liên tưởng); khởi ngữ; các biện pháp tu từ, các câu cấu tạo theo ngữ pháp, các thành phần biệt lập, phương châm hội thoại, các hình thức chuyển nghĩa, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn…
4. Chưa có kế hoạch và phương pháp học tập hợp lí
Ngữ văn 9 có rất nhiều kiến thức được tích hợp với nhau, vì thế nhiều học sinh chưa vạch ra cho mình lộ trình học tập hợp lí, đồng thời phương pháp học tập còn quá cứng nhắc, chưa khoa học, hay bị quên và nhầm lẫn kiến thức. Mặt khác việc không yêu thích môn văn của một số bạn học sinh nhất là học sinh nam còn làm cho các bạn cảm thấy vô cùng khó khăn khi học văn và học tập có kế hoạch. Chưa có bạn nào có thể đặt ra được mục tiêu cho bản thân mình và kiên trì thực hiện theo mục tiêu đó vượt qua 2 tuần.
Theo khảo sát kế hoạch học tập của một số bạn học sinh ở nhà thì đa số các bạn cho rằng, em chỉ cần không bị phạt, em chỉ cần có thời gian là em làm được…còn việc lập hoạch thì có rất ít, nếu có thì đều thực hiện được trong một thời gian ngắn và bỏ cuộc. Chính vì thế đây cũng là khó khăn của các bạn học sinh trong khi học văn 9.
Như vậy chúng ta có thể thấy được những khó khăn khi học ngữ văn 9 tuy nhiên những khó khăn đó vẫn có thể khắc phục được nếu bạn học tập đúng phương pháp. Gia sư Văn Hà Nội chúc các bạn thành công!
Để lại bình luận