Nhiều sinh viên sẽ cảm thấy bỡ ngỡ trong lần đầu gia sư môn Văn
Nội dung chính
1. Chọn đối tượng giảng dạy
Trước khi lựa chọn lớp để gia sư môn ngữ văn, bạn cần phải tự thử sức, đánh giá năng lực xem mình phù hợp với môn văn ở cấp học nào bởi kiến thức không phải là điều quan trọng nhất trong nghề gia sư. Bạn cần có kĩ năng đi đôi với kiến thức. Nếu bạn cảm thấy mình đủ kiên nhẫn và yêu trẻ em thì bạn nên lựa chọn gia sư tiểu học. Còn nếu kiến thức của bạn chuyên sâu hơn và bạn phù hợp với lứa tuổi học sinh lớn hơn thì nên lựa chọn gia sư cấp 2 hoặc cấp 3. Các bạn hãy lựa chọn đối tượng phù hợp nhất để phát huy tối đa sở trường của mình nhé!
2. Chuẩn bị giáo án và phương pháp giảng dạy
Trong buổi học đầu tiên, đặc biệt là với môn Văn, bạn chưa biết trình độ của học sinh ở mức độ nào. Do đó, bạn nên chuẩn bị một bài test nhỏ để đánh giá năng lực ban đầu và tìm được lỗ hổng kiến thức của các em để có giáo án và phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Giáo án của gia sư không nhất thiết phải tỉ mỉ và quy củ như giáo án trên lớp của giáo viên. Tuy nhiên, các bạn cần phải định hướng bài học cho buổi tiếp theo và tự biên soạn những dạng bài tập cho các em thực hành trong mỗi buổi học.
Gia sư có thể tìm tìm tài liệu trên các trang mạng hoặc trong sách tham khảo. Với những học sinh tiếp thu nhanh, bạn nên đưa ra nhiều dạng bài tập và hướng dẫn, định hướng để các em làm. Còn những học sinh chậm hiểu, tiếp thu chậm, bạn nên cho các em rèn luyện kĩ và thành thạo từng dạng bài tập rồi mới chuyển sang dạng bài khác. Bước đầu chuẩn bị tốt sẽ giúp các bạn phần nào tự tin hơn trong buổi dạy đầu tiên cũng như trong các buổi dạy tiếp theo.
3. Tác phong, trang phục của gia sư trong lần đầu đi dạy
Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào người đối diện chính là trang phục và tác phong của họ. Với nghề gia sư cũng vậy, trong buổi dạy đầu tiên, bạn cần ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, đi đôi với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát để bước đầu gây được thiện cảm với phụ huynh học sinh.
4. Kinh nghiệm khi trao đổi với phụ huynh học sinh
Trong buổi đầu đi dạy, chắc chắn phụ huynh sẽ trao đổi với bạn về lực học, tình hình học tập hiện tại của con mình. Khi nói chuyện với phụ huynh bạn cần tỏ ra mình là một người tự tin, nhanh nhẹn, nghiêm túc để phụ huynh có thể ấn tượng và tin tưởng giao phó con em mình. Một điểm lưu ý là bạn tuyệt đối không được hỏi phụ huynh: “Cháu phải dạy từ đầu hay như thế nào?”, “Cháu phải dạy bé ra sao?”. Phụ huynh sẽ đánh giá bạn là người không có kinh nghiệm, không có nhiều kiến thức giảng dạy. Thay vào đó, bạn hãy cùng phụ huynh trao đổi và chia sẻ phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.
5. Tạo được ấn tượng tốt với học sinh
Rất nhiều phụ huynh sau những buổi gia sư đầu tiên đều hỏi con mình: “con có thích học với cô gia sư không?”, “Cô gia sư dạy có dễ hiểu không?”,…Trẻ con thường rất thật thà nên bước đầu bạn cần phải tạo được thiện cảm tốt với học sinh của mình nếu muốn gắn bó với lớp đó lâu dài. Học sinh luôn thích những người hòa đồng, thân thiện, cởi mở. Do đó, khi bắt đầu buổi học đầu tiên, bạn cần trò chuyện thật thoải mái với học sinh để tạo cảm giác thân quen, vui vẻ. Từ đó, bạn hãy từ từ nắm bắt tâm lí của các em, tạo được cái uy nhất định của người giáo viên để tránh tình trạng bị học sinh bắt nạt.
6. Những lưu ý trong buổi đầu đi gia sư
- Bạn cần đến sớm 5 – 10 phút để làm quen và lắng nghe những điều phụ huynh trao đổi về lực học của học sinh trước khi bắt đầu buổi học.
- Giữ thái độ điềm tĩnh, nhẹ nhàng với học sinh.
- Thông qua lực học của học sinh và nhu cầu của phụ huynh, bạn có thể thỏa thuận tăng hoặc giảm buổi học.
- Thỏa thuận về lương để tránh hiểu lầm vì đa số sinh viên nhận lớp thông qua trung tâm gia sư.
Trên đây là những chia sẻ của gia sư Văn từ trung tâm gia sư Thăng Long cho những bạn sinh viên lần đầu đi gia sư môn Văn. Chúng tôi tin rằng, bài viết sẽ mang lại những kinh nghiệm bổ ích, giúp các bạn suôn sẻ, tự tin hơn trong buổi dạy đầu tiên của mình. Chúc các bạn thành công!
Để lại bình luận