Giúp học sinh Tiểu Học nhận biết, sử dụng câu Văn đúng ngữ pháp

Bạn đang gặp khó khăn trong việc truyền tải kiến thức môn tiếng việt cho con? Bạn đang cần một số giải pháp hay để giúp các con dễ dàng nhận biết và sử dụng câu văn đúng ngữ pháp? Bài viết chia sẻ dưới đây phần nào sẽ giúp anh (chị) giải quyết được những vấn đề đó.

Hướng dẫn học sinh tiểu học viết câu đúng ngữ pháp

Với người Việt Nam, đặc biệt là học sinh tiểu học, các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, ngữ pháp nhằm giúp các em sử dụng có hiệu quả trong giao tiếp và trong học tập đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các em còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này, việc nhận biết và sử dụng câu đúng ngữ pháp là một hạn chế lớn. Đa phần học sinh đều viết câu không đủ thành phần, câu cụt hoặc câu quá dài, lan man, không diễn đạt đúng nội dung cần đề cập đến, thậm chí là sai ý nghĩa của câu.

Vì vậy, các em rất cần đến trách nhiệm của những người làm thầy, cô giáo để giúp học sinh hiểu đúng và sâu bản chất của vấn đề. Sau đây, gia sư văn Hà Nội xin được chia sẻ một số phương pháp giúp giáo viên hướng dẫn học sinh tiểu học nhận biết và sử dụng câu văn đúng ngữ pháp như sau:

Thay vì phương pháp dạy cổ điển với phấn trắng mực đen, các thầy cô nên đổi mới phương pháp học tập để giúp học sinh hứng thú và dễ hình dung bài học hơn. Đó chính là phương pháp dạy và học bằng hình ảnh trực quan. Trực quan ở đây không chỉ là  sử dụng các vật thể thật như tranh ảnh, con vật, đồ vật để học sinh quan sát mà còn được biểu hiện qua lời nói. Khi giảng bài, giáo viên cần chú ý sao cho ngôn ngữ mình sử dụng chuẩn xác nhất, dễ hiểu nhất, đồng thời biết cách lựa chọn những ví dụ mẫu để giúp học sinh dễ hình dung và rút ra được bài học.

Ví dụ: “Tòa nhà cao vun vút”

⇒ Để xác định được các thành phần câu thì học sinh cần phải chia nhỏ câu thành nhiều phần nhất. Khi đó đa số học sinh sẽ chia câu trên như sau:

Tòa nhà/ cao/ vun/ vút

Tuy nhiên, từ “vun” và từ “vút” đứng đơn lẻ lại không có nghĩa. Do đó, giáo viên cần yêu cầu học sinh chia câu sao cho tạo thành các từ có nghĩa. Từ đó, học sinh mới rút ra được trường hợp:

Tòa nhà/ cao/ vun vút

2. Hướng dẫn học sinh tự xây dựng bài

Trong giờ học, giáo viên cần cho học sinh tự trao đổi, hoạt động theo nhóm với nhau để tự lấy các ví dụ thông qua ngôn ngữ giao tiếp của các em. Từ những ví dụ  mà mỗi em đặt ra, giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh: (Câu em vừa đặt được sử dụng đúng ngữ pháp chưa? Đã đủ các thành phần trong câu chưa?,…). Sau đó, các thầy cô sẽ là người đặt vấn đề và rút ra bài học kinh nghiệm cho các em:

– Dấu hiệu mở đầu ra sao?

– Dấu hiệu kết thúc như thế nào?

Việc thực hành trong giao tiếp không những giúp giáo viên phát hiện kịp thời những lỗi sai trong câu mà còn giúp các em vận dụng được tối đa vốn từ ngữ một cách chính xác và linh hoạt nhất.

Gia sư văn cấp 1

3. Lấy những ví dụ đơn giản nhất và gần gũi với đời sống

Để giúp học sinh nắm được bài và không bị “nản” trước nội dung bài học, giáo viên cần cho các em tiếp cận bài học theo mức độ từ dễ đến khó. Với việc nhận biết và sử dụng câu cũng vậy, việc lấy một ví dụ dễ hiểu, cấu tạo đơn giản và gần gũi với đời sống thường ngày sẽ giúp học sinh có hứng thú và hiểu bài nhanh hơn. Từ đó, giáo viên sẽ đặt ra các câu hỏi để học sinh tự trả lời:

– Đâu là chủ ngữ? Chủ ngữ thường trả lời cho câu hỏi nào?

– Đâu là vị ngữ? Trả lời cho câu hỏi nào? Dấu hiệu nhận biết là gì?

Ví dụ 1 : Đặt câu có 1 chủ ngữ, 1 vị ngữ :

Học sinh có thể đặt được câu sau :”Lan học rất giỏi”.

+ Chủ ngữ : Lan (trả lời cho câu hỏi ai ?)

+ Vị ngữ : Học rất giỏi (trả lời cho câu hỏi thế nào ?)

Ngoài ra, giáo viên có thể đặt câu đơn giản rồi yêu cầu học sinh thêm các yếu tố thời gian, địa điểm vào câu. Từ đó, giúp các em nhận biết thành phần trạng ngữ trong câu.

Ví dụ 2 : Giáo viên đặt câu: “Trời mưa rất to”. Sau khi thêm yếu tố thời gian: “Sáng nay”. Câu trở thành: “Sáng nay, trời mưa rất to”.

4. Luyện tập thông qua bài tập về nhà

Ngoài các ví dụ và bài tập trên lớp, giáo viên nên giao thêm bài tập về nhà với mức độ khó tăng dần giúp học sinh củng cố kiến thức và hoàn thiện sau bài học. Bên cạnh các dạng bài tập xác định thành phần câu, giáo viên nên giao thêm các dạng bài tập sau :

– Tìm các câu văn thiếu thành phần câu trong một đoạn văn:

+ Giúp các em có cách nhìn bao quát hơn, tư duy nhanh nhạy hơn để có thể ứng dụng vào đề thi một cách linh hoạt nhất.

+ Giúp học sinh tránh mất điểm trong phần tập làm văn – phần chiếm số điểm lớn nhất trong đề thi của các em.

– Cho một câu đơn giản, yêu cầu học sinh diễn đạt theo nhiều cách khác nhau :

+ Giúp câu văn, bài văn bớt nhàm chán, cứng nhắc

+ Sử dụng câu văn linh hoạt, gây được hứng thú với người đọc

Với cùng một nội dung bài học, nhưng các phương pháp truyền đạt khác nhau lại mang lại những hiệu quả hoàn toàn khác biệt với các em học sinh. Các thầy cô cũng như các bậc cha mẹ muốn là những người gia sư Văn tiểu học giỏi cần tích cực tìm tòi, nghiên cứu để tìm phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả cho từng học sinh của mình. Chúng tôi hy vọng rằng, bài viết trên sẽ mang lại những kiến thức bổ ích cho các thầy cô tham khảo thêm trong quá trình giảng dạy của mình

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại bình luận