Nghị luận xã hội là phần kiến thức quan trọng có liên quan đến kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và kì thi THPT quốc gia. Để làm tốt nghị luận xã hội, theo chia sẻ của các chuyên gia và giáo viên, học sinh cần tránh các lỗi rất dễ mắc phải trong quá trình làm bài. Vậy đâu là các lỗi mà các bạn thường mắc phải khi làm văn nghị luận?
Nội dung chính
1. Không xác định được dạng đề nghị luận xã hội
Nghị luận xã hội thường chia làm hai dạng là nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống và nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí. Tuy nhiên học sinh hay bị nhầm giữa hai dạng nghị luận này nên gây ra tình trạng làm sai cách, bài viết lan man, lạc đề. Nên đầu tiên các bạn cần phân biệt được hai dạng bài này.
Trước tiên nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống đề cập về các hiện tượng khá phổ biến trong xã hội cũng như cuộc sống hàng ngày. Các câu hỏi bàn đến thường là những vấn đề mang tính chất thời sự hiện nay, bằng một vấn đề trên báo chí hoặc một vấn đề không trích dẫn trong ngoặc kép. Ví dụ: hiến máu nhân đạo, an toàn giao thông, bạo lực học đường, nghiện internet, vấn đề học lệch, học tủ, hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, vấn đề biển đảo, sống thử, gian lận trong thi cử, văn hóa xếp hàng, văn hóa cảm ơn….
Đối với nghị luận về một tư tưởng đạo lí thường đề cập tới những vấn đề có liên quan tới đạo đức làm người, nói về các danh ngôn, các triết lý, các quan niệm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc. Ví dụ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, sống đẹp, sống nhân nghĩa, lá lành đùm lá rách, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, hạnh phúc là biết nắm bắt những giá trị xung quanh bản thân mình…
Việc xác định được đề là điều kiện quan trọng để các bạn nắm được toàn bộ hướng đi của bài viết, tránh được lỗi làm sai làm lạc đề thường mắc phải của các bạn học sinh. Dấu hiệu của dạng đề này là các câu nói được trích trong ngoặc kép của một danh nhân nổi tiếng hay câu thơ nào đó của một nhà thơ nổi tiếng, ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học… các bạn cần nhanh ý để xác định được những điểm khác biệt này để có thể xác định đúng dạng đề mình làm.
Ví dụ: Đọc đoạn thơ sau:
Mỗi người thêm nhiều con mắt
Mỗi người thêm nhiều cảm rung
Trời cũng thêm nhiều màu sắc
Đất cũng thêm chiều mênh mông
(Trần Lê Văn – Bạn)
E có suy nghĩ gì về tình bạn từ những ý thơ trên?
2. Mở bài không trúng vấn đề, không biết cách kết bài.
Học sinh khi nhận được đề và đã xác định được đề bài rồi thì vẫn loay hoay trong việc mở bài, mở bài một cách lan man, không đi vào vấn đề chính. Mở bài phải đánh trúng vào trọng tâm vấn đề mà đề thi yêu cầu. Nếu là tư tưởng đạo lý thì bằng mọi giá phải dẫn câu nói, ý kiến đó vào.
Ví dụ: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Em có suy nghĩ gì về câu nói trên?
Ta xem nhé, đây rõ ràng là bàn đến tư tưởng phải không nào? Bạn hãy dành ra 15 phút tập mở bài rồi hãy so sánh với cách làm dưới đây nhé?
Có nhiều cách mở bài nhưng với đề bài này bạn nên tạo sự đối lập trong mở bài thì sẽ làm nổi bật được lên vấn đề cần nói tới: Đối lập với ý chí là gì? là sự hèn nhát, yếu đuối. Vì vậy hãy mở bài kiểu như là: “Cuộc sống xung quanh ta có biết bao nhiêu khó khăn thử thách, nếu chúng ta hèn nhát và yếu đuối thì chắc chắn thất bại sẽ đợi ta ở cuối con đường. Ngược lại nếu chúng ta có ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống chắc chắn chúng ta sẽ vươn đến thành công. Có lẽ đó cũng chính là ý nghĩa của câu nói: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”
Còn đối với phần kết bài chúng ta chỉ nên 3 câu ngắn gọn là đủ:
“Tóm lại câu nói trên đã để lại trong chúng ta nhiều bài học sâu sắc. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải điều chỉnh hành vi và suy nghĩ của mình để phù hợp với cuộc sống và nhất là phấn đấu trở thành con người có ích cho xã hội”.
3. Bố cục bài viết không hợp lí
Dù bài viết ở dạng đề nào thì cũng phải duy trì bố cục 3 phần là mở bài, thân bài, kết luận để làm hài hòa phần hình thức của bài viết, có nhiều bạn viết mở bài và thân bài là một đoạn văn mà không tách ý, có một số bạn khác do còn ít thời gian nên chưa kịp triển khai ý và viết phần kết bài. Do đó phần bố cục của bạn chưa hài hòa hợp lí làm mất đi thiện cảm của người chấm.
Mở bài: Cần trình bày được vấn đề được đặt ra trong đề ( hiện tượng, tư tưởng nào đó ). Cần có phần dẫn dắt vấn đề đi vào một cách tự nhiên, tránh gò bó, tránh gượng ép gây cảm giác khó chịu cho người đọc, mở đầu phải tạo được ấn tượng cho người đọc.
Thân bài: Được xem như phần xương sống của bài viết, bởi vì nó giải quyết những vấn đề chính của đề bài. Thường phần thân bài sẽ trả lời cho các câu hỏi vấn đề này có ý nghĩa gì? Nó đúng hay sai, tại sao? Vấn đề này thường diễn ra phổ biến trong cuộc sống như thế nào? Cần làm gì để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó trong xã hội hiện nay? Bạn cần làm gì để hiện thực hóa nó trong cuộc sống thực tế hiện tại? Đó là một yêu cầu cơ bản trong việc viết một thân bài của dạng bài nghị luận xã hội.
Đối với phần nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống bạn cần nên lấy nhiều ví dụ minh họa cụ thể ở ngoài đời sống đề làm cho bài viết của bạn thêm sinh động, thuyết phục người đọc hơn.
Kết bài: tuy ngắn nhưng có vai trò quan trọng vì nó khép lại cả vấn đề mà bài viết đang đề cập tới và mở rộng liên tưởng ra những ý kiến cá nhân của bạn về bài viết.
Ví dụ: Em có suy nghĩ gì về bạo lực học đường hiện nay?
Bố cục bài viết sẽ gồm 3 phần
Mở bài: Trước đây, chúng ta thường có tâm lý chủ quan nghĩ rằng bạo lực học đường là một vấn đề hết sức xa xôi, không xảy ra phổ biến. Đồng thời cũng vì thế mà không ý thức được sâu sắc về tầm ảnh hưởng, tác động, hậu quả nghiêm trọng của nó tới thế hệ trẻ nói riêng, con người nói chung. Song thời gian gần đây, bạo lực học đường đã có những chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp và trở thành một vấn đề nóng bỏng, một vấn nạn nhức nhối khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc. Phải chăng đó chính là một dự báo “sóng ngầm đang thành bão”. Đứng trước thực trạng đó mỗi chúng ta cần có nhận thức và hành động như thế nào?
Thân bài: Giải thích: Bạo lực học đường là gì?
– Biểu hiện: các biểu hiện cụ thể?
– Chứng minh qua các hành động, biểu hiện cụ thể.
– Nguyên nhân của nạn bạo lực học đường là gì?
– Hậu quả của bạo lực học đường để lại?
– Giải pháp để hạn chế nạn bạo lực học đường?
– Liên hệ, mở rộng
Kết bài: Rút ra bài học cho bản thân, hình thành quan niêm, hành động đúng đắn góp phần cho cuộc sông tốt đẹp hơn.
4. Lặp ý
Ý sau lặp lại hoàn toàn ý trước.
Ví dụ 1 : Có học sinh nêu lên bốn hạn chế về nội dung tư tưởng của văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 như sau :
- Né tránh những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc.
- Bỏ qua đề tài đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giới cần lao.
- Khẳng định cái tôi một cách cực đoan.
- Ủy mị, bế tắc.
Qua ví dụ trên chúng ta thấy ý 1 và 2 trùng lặp hoàn toàn, nhập làm một
Ví dụ 2 : Nhiều học sinh làm bài văn phân tích nghệ thuật tả chân dung nhân vật trong Truyện Kiều, nói về bức chân dung nào cũng khẳng định “chân dung rất sinh động”, “lời lẽ miêu tả rất xác đáng”. Lối nói sáo chung chung này cũng là lặp ý. Nó cho thấy ở bước lập ý và lập dàn ý, người làm bài không chịu khó suy nghĩ để nhận ra vẻ riêng của ngòi bút Nguyễn Du trong mỗi bức chân dung.
Ý sau bao chứa ý trước hoặc ý trước bao chứa ý sau.
Ví dụ 3 : Để chứng minh “Lao động là cái đáng quý nhất”, có học sinh nêu ra bốn ý :
- Lao động sáng tạo ra loài người.
- Lao động nuôi sống con người.
- Lao động sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần trong xã hội.
- Lao động là môi trường rèn luyện để con người hoàn thiện không ngừng.
Ta thấy ý 2 bị bao chứa trong ý 3. Đặt một ý nhỏ ngang hàng với ý lớn như vậy cũng gây ra tình trạng lặp ý khi viết.
5. Sắp xếp ý lộn xộn
Sắp xếp ý không theo trật tự nào, viết lan man dài dòng.
Với bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí, thì trật tự thông thường là : Giải thích tư tưởng đạo lí -> bình luận, chứng minh tư tưởng đạo lí, sau đó mới rút ra bài học cho bản thân. Nếu người viết không tuân thủ các bước làm bài thì bài văn sẽ lộn xộn, lập luận không có sức thuyết phục.
Ví dụ 1 : Đề bài yêu cầu giải thích và chứng minh nhận định:
“Văn học hiện thực phê phán tuy còn những hạn chế về tư tưởng và nghệ thuật nhưng nó vẫn có lợi cho cách mạng”
Trong phần giải thích nhận định ấy lại xen những ý chứng minh, trong phần chứng minh xen cả ý giải thích, đang chứng minh ý 1 thì xen ý 2… Đây là hiện tượng viết văn tùy tiện, gặp đâu nói đấy, không chuẩn bị kĩ dàn ý.
Trật tự các ý không thích hợp. Khi giải quyết đề bài nói trên, người viết trình bày ý “Văn học hiện thực phê phán có lợi cho cách mạng” trước ý “Văn học hiện thực phê phán có những hạn chế về tư tưởng và nghệ thuật”.
Như vậy có thể thấy rằng việc làm văn nghị luận xã hội các bạn mắc phải rất nhiều các lỗi, các lỗi này đã làm mất cơ hội để các bạn được điểm tối đa phần nghị luận xã hội. Hy vọng đây là những chia sẻ bổ ích mà gia sư văn đúc kết được, sẽ giúp các bạn học tập tốt và có được kết quả cao trong các kì thi.
Để lại bình luận (3)
Hay vaaaaaaaiiiiiiii
Trả lờiHay v
Trả lờiCho em hỏi là đề bài này thuộc vào phần nghị luận nào ạ "Trình bày suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tranh luận và nhường nhịn" ?
Trả lời