Nghị luận văn học cùng với nghị luận xã hội là hai phần quan trọng nhất trong cấu trúc đề thi THPT vào 10, phần này chiếm 50% trong tổng cơ số điểm của đề thi. Vì thế, việc bạn có học tốt phần này hay không là yếu tố quyết định đến việc lựa chọn trường cho mình. Hiểu được nỗi lo và khát khao đạt thành tích cao trong kỳ thi sắp tới, Gia sư văn tại Hà Nội xin chia sẻ một số kỹ năng giúp bạn làm văn nghị luận một cách hiệu quả nhé !
Nội dung chính
1. Nhận diện đề
Có rất nhiều dạng đề và các kiểu làm bài khác nhau. Nên bạn cần xác định và nhận diện cho đúng và chính xác kiểu đề để tránh tình trạng lạc đề, lan man và không mạch lạc. Trong 5 năm trở lại đây, đề thi văn của Sở GD & ĐT Hà Nội chủ yếu xoay quanh về:
a). Bình giảng về một đoạn thơ
Ví dụ: Bình giảng bài thơ “Nói với con” ( của Y Phương ). Bình giảng bài thơ “Sóng” ( Xuân Quỳnh ).
b). Phân tích hình tượng nhân vật trong truyện, trong thơ, hay một chi tiết trong truyện trong thơ để làm rõ nội dung tác phẩm.
Ví dụ: Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ “Đồng chí” ( Chính Hữu ). Phân tích vẻ đẹp của anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” ( Nguyễn Thành Long ). Phân tích bài thơ “ Bếp lửa “ (Bằng Việt).
c). So sánh giữa hai đoạn thơ, bài thơ. Từ hai nhận định, hai tác giả văn học để từ đó làm nổi bật lên một chủ đề nào đó.
Ví dụ: So sánh hình tượng người lính trong bài thơ “ Đồng chí” ( Chính Hữu ) và bài thơ “Tiểu đội xe không kính” ( Phạm Tiến Duật ) qua đó thể hiện suy nghĩ của anh chị về tinh thần kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. So sánh tình yêu nước của nhân dân ta qua 2 tác phẩm “Làng” ( Kim Lân ) và “ Những ngôi sao xa xôi” ( Lê Minh Khuê ).
d). Nhận định về một tác phẩm, tác giả.
Ví dụ: Nhận định về tác giả Nguyễn Du. Nhận định về tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Nhận định về tác phẩm “Chí phèo” ( Nam Cao ).
e). Phân tích nghệ thuật, tình huống truyên, cốt truyện.
Ví dụ: Phân tích tình huống trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân. Phân tích tình huống trong truyện “chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyên Dữ.
f). Phân tích giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm
Ví dụ: Phân tích giá trị nghệ thuật của “Truyện kiều” ( Nguyễn Du ). Phân tích giá trị nhân đạo của “Chuyện người con gái nam xương” ( Nguyễn Dữ )
2. Nắm vững kiến thức về từng tác phẩm văn học
Về thơ: Với kiểu đề bình luận về một đoạn thơ thì sẽ trích sẵn thơ. Các bạn hoàn toàn phải thuộc thơ và nắm vững được nội dung chính của từng bài, điểm chung của hai bài là gì, điểm khác biệt là gì?
Có một số cách có thể giúp bạn thuộc thơ hiệu quả, hiểu rõ nội dung bài thơ như: tập trung cao độ để học, chia nhỏ từng đoạn ra để học, trong từng đoạn thơ có thể tách ra từng câu, trong bài thơ có liên tưởng tới các hình ảnh dễ nhớ, dễ học.
Về tác phẩm văn học: Bạn chẳng thể nào học thuộc được cả tác phẩm văn học vì chúng quá dài, nhưng bạn có thể ghi nhớ luận điểm, luận cứ một cách dễ dàng bằng việc:
– Đọc tác phẩm nhiều lần để nhớ được nội dung và nghệ thuật
– Liệt kê ra các chi tiết, dữ kiện tiêu biểu trong bài và học thuộc chúng.
– Tìm hiểu về các nhân vật, các tình huống truyện, tâm lí nhân vật.
– Nếu không nhớ chính xác được các chi tiết hãy nhớ được nội dung gần giống như thế.
Ví dụ: Khi học vào tác phẩm “ Lặng lẽ sapa” ( Nguyễn Thành Long ), làm thể nào để chúng ta có thể nhớ một cách chi tiết nội dung của tác phẩm.
Bước 1: Đọc tác phẩm nhiều lần, nắm sơ qua nội dung tác phẩm nói về điều gì?
Bước 2: Nội dung chính cụ thể nói về anh thanh niên, chúng ta sẽ tìm những chi tiết tiêu biểu liên quan đến anh thanh niên như: hoàn cảnh sống, sống ở đỉnh núi Yên Sơn có độ cao trên 2600m, làm công tác khí tượng thủy văn với công việc là đo mây, đo mưa, đo gió… Anh ấy có những phẩm chất gì? Yêu nghề sâu sắc, lòng nhiệt tình, hiểu khách, sự đam mê trong công việc, phong cách sông rất đáng quý. Hãy đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu để làm nổi bật luận điểm, luận cứ của tác phẩm.
Bước 3: Đặt bút và viết ngay, vì khi viết bạn mới dễ dàng cảm nhận được tác phẩm, đồng thời đưa ra các chi tiết cụ thể để ghi nhớ bài văn dài một cách hiệu quả.
3. Cách làm bài văn nghị luận văn học
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác…
– Nắm chắc thông tin, phong cách thơ của tác giả, hay nhận định của tác giả
– Nắm rõ hoàn cảnh sáng tác (đoạn thơ, bài thơ, tác phẩm văn học ).
Thân bài:
– Nắm chắc nội dung, nghệ thuật tác phẩm.
– Khái quát qua hay còn gọi là câu dẫn vào vấn đề nếu thấy cần thiết.
– Phân tích, cảm nhận vấn đề.
– Chú ý đến các câu thơ, câu văn chi tiết, hình ảnh tiêu biểu nhưng phải sát với vấn đề cần bàn luận.
– Giá trị của những chi tiết, hình ảnh đó.
– Lưu ý đến đặc sắc nghệ thuật được sử dụng.
– Có thể chốt phần thân bài bằng cảm nhận của bạn thân nếu thấy cần thiết.
– Nội dung phân tích rõ ràng, đúng trọng tâm, không đi quá xa vấn đề.
Kết luận:
– Đánh giá, khái quát lại vấn đề.
– Liên hệ với bản thân.
4. Một vài chia sẻ nhỏ khi học và làm văn
Phương pháp học của gia sư văn giỏi: Các bạn nên rèn kỹ năng viết bài, học thêm nhiều kiến thức mở rộng có liên quan tới tác phẩm văn học, lắng nghe và học kỹ các kiến thức trên lớp thầy,cô truyền thụ, tham khảo những quyển sách hay về văn học để tăng thêm kỹ năng viết văn: ” Hướng dẫn tự học nâng cao kỹ năng làm bài nghị luận văn học ngữ văn 9 ” ( tác giả Hoàng Tiên Thịnh ). “Văn nghị luận văn học”. “Cẩm nang rèn luyện văn nghị luận”.
Mặt khác chú tâm đọc kỹ các dạng bài tránh các tình trạng lạc đề, tập giải đề văn mỗi ngày và chắt lọc các kiến thức bổ ích.
Khi viết văn cần đọc kĩ vấn đề mà đề bài đưa ra và xác định chính xác yêu cầu đề bài, triển khai ý rõ ràng, mạch lạc. Tránh tình trạng lan man, xa đề, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực.
Để lại bình luận (1)
Rat de hieu toi yeu thich
Trả lời