5 bước cực kỳ đơn giản để Học tốt môn Văn

Có thể hình dung học văn là một quá trình tổng hòa nhiều cách thức, thao tác, ở nhiều không gian, thời gian khác nhau, bằng nhiều giác quan và nội lực của người học. Học trong nhà trường là học những hiện tượng, những tinh hoa căn bản của văn chương dân tộc và nhân loại. Nghĩa là học những kiến thức, phương pháp cơ bản nhất liên quan đến lĩnh vực văn chương. Học ngoài nhà trường là tiếp nối, nâng cao, hoàn thiện tri thức và kỹ năng văn chương của người đọc.

Nếu thiếu một trong hai khâu đó, thì tri thức và năng lực của người học văn khó mà hoàn chỉnh. Như vậy, điều kiện để viết văn hay là phải đọc nhiều, ghi nhiều, thuộc nhiều. Và phải nói thêm là cần rèn luyện cách nhìn, cách nghĩ, cách viết hằng ngày thì mới có thể học văn một cách hiệu quả.

Bí quyết học tốt môn văn

1.  Đọc nhiều sách – chân trời của tri thức

Trước tiên không chỉ đọc các loại sách văn học còn đọc các loại sách báo, tạp chí liên quan đến nhiều nội dung khác nhau. Đọc để khi ta không cảm nhận được điều gì cụ thể nhưng nó đã thấm sâu vào ta một cách tự nhiên như ăn uống hàng ngày, kiến thức, kỹ năng đó sẽ hiện ra một cách nhanh chóng để giúp chúng ta có một bài văn hay. Các bạn cần nhớ rằng: “Sự thông minh sáng tạo, chẳng qua là dựa trên bệ phóng của kiến thức”. Để trở thành nhà văn, nhà thơ lỗi lạc thì chính các nhà văn nổi tiếng này cũng đọc rất nhiều sách.

Ví dụ: Đây là lời tâm sự của một số tác giả, mà gia sư văn chúng tôi khuyên các bạn nên học hỏi, noi gương:

Nhà văn Anh Đức: “Tôi đọc say mê, ngấu nghiến cả những quyển mà lẽ ra tôi chưa được đọc. Có lúc tôi ẩn mình trong kẹt tủ, có lúc leo tuốt lên ngọn ổi um tùm ngồi đọc” ( Hồi nhỏ tôi học văn ).

Nhà văn Vũ Tú Nam: “Tôi say mê đọc sách báo văn học ngoài chương trình của nhà trường, thậm chí đọc cả dưới ánh trăng, khiến mắt tôi bị cận thị” ( Một cách học làm người ).

Giáo sư Huỳnh Lý: “Tôi cứ lén đọc, đọc trước, đọc sau, bất kể bụi bờ, chỗ nào tạm ngồi được là đọc, bất kể nhá nhem hoặc đèn lửa lờ mờ, lúc nào đọc được là tôi tranh thủ đọc” ( Tôi học văn như thế nào ).

2.  Song song với việc đọc sách là ghi chép

Các bước đơn giản để học tốt môn văn

Ghi chép là để nối dài trí nhớ, để tích lũy vốn tư liệu phong phú và chính xác cho bản thân mình. Ghi lời đẹp, ý hay, một từ ngộ nghĩnh, một câu thơ chợt đến… “Mỗi người là một mảnh thiên tài nhân loại”, ai cũng có lời hay ý đẹp cho ta ghi và học tập. Đó chính là “kho hậu cần” của sáng tạo. Có lẽ cái cần ghi nhiều nhất là ca dao tục ngữ – một kho tàng vô tận của ý đẹp lời hay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã kể lại kinh nghiệm này: “Những câu ca là những viên ngọc. Chúng ta có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, ở quanh nhà ta ở. Mỗi bạn có thể tạo cho mình một cuốn sổ tay để ghi chép những câu tục ngữ mà bạn ưa thích, tâm đắc nhất, người đọc lại các câu tục ngữ, ca dao đó có thể là các bà, các mẹ. Ngoài việc góp nhặt những câu ca dao, tục ngữ quanh nhà bạn còn nên ghi chép lại cái của chính mình, những cảm nghĩ, cách phân tích về chủ đề, câu thơ bài thơ theo cách riêng của chính bạn.

Mặt khác bạn có thể ghi chép lại các kiến thức bằng phương pháp bản đồ tư duy, từ một chủ đề trung tâm, có từ khóa và bạn vẽ ra các nhánh thể hiện ý tưởng, lập các bảng so sánh cột dọc ngang để phân tích, nhấn mạnh những điểm của đối tượng, dùng bút màu để phân biệt các ý.

Ghi chép phải cần cù tập thành thói quen, như con ong cần cù hút mật, như con tằm ăn lá nhả tơ, như người thợ nhặt từng đinh ốc rơi vãi để sử dụng đúng chỗ khi cần thiết. Muốn cần một bữa tiệc ngon cần nhiều thứ, muốn làm một bài văn hay – một bữa tiệc ngôn ngữ, cần nhiều lắm những lời đẹp ý hay.

3.  Học thuộc là phẩm chất của người học văn

Ghi là quan trọng, nhưng quan trọng nữa là thuộc. Thuộc lòng là một phẩm chất của người học văn. Thuộc càng nhiều càng tốt, chỉ nên thuộc những cái thật hay, thật giá trị, nên thuộc cả văn chứ không chỉ có thơ. Thuộc lòng thơ của người khác, nó sẽ biến thành một mảng kiến thức của mình. Kiến thức đó sẽ tự nhiên biến hóa khi phù hợp khi mình viết một bài văn nào đó, giải quyết một vấn đề nào đó. Mỗi ngày, phải tự đặt cho mình thuộc một bài thơ hoặc vài câu văn. Cũng như đọc, hễ có điều kiện là nhẩm để thuộc, phải tập thành kỹ năng thì thuộc rất nhanh, thuộc càng nhiều thứ càng yêu văn học.

5 bước cục kỳ đơn giản để học tốt môn văn

Có một số mẹo nhỏ khi học thuộc như: khi đang nghe ai nói, hoặc thầy giáo giảng, thấy câu nào hay tranh thủ nhẩm đi nhẩm lại để “nuốt” lấy ngay. Trên đường đi học về vừa đi vừa nhẩm cái vừa học tươi nguyên để mà nhớ. Tại góc học tập, những vấn đề cần nhớ, những vấn đề cần thuộc thì viết lên bảng hoặc lên giấy găm trước mặt bàn học, nó đập vào mắt liên tục. Thị giác đó có tác dụng tự khắc sâu vào trí nhớ. Hoặc trước khi đi ngủ, đọc qua một lượt, rồi nhắm mắt lại nhẩm qua vài lần, sáng dậy nhớ y nguyên và mãi mãi.

4.  Chú ý tới cách nhìn, cách nghĩ, cách tiếp nhận kiến thức

Nhìn cũng là một cách thu lượm vốn sống, kiến thức thực tế. Không nên hờ hững với những gì diễn ra trước mắt hàng ngày. Phải nhìn với một nhu cầu cần hiểu biết thực tế, nhìn với con mắt tinh tế, phát hiện. Nhìn sự vật, sự việc, hiện tượng chú ý rút ra những vấn đề có ý nghĩa, vấn đề có tính quy luật. Muốn vậy, phải biết nhận xét, so sánh, liên tưởng. Ví như nhìn cái đèn dầu, có người nghĩ ngay đến hình ảnh chị Dậu trong “Tắt đèn”. Tiềm năng phản kháng của chị Dậu như cái bầu dầu tràn trề, chỉ chờ Đảng về để thắp lên một ngọn lửa… hoặc có người nhìn bếp lửa đã liên tưởng, so sánh trong bài làm của mình: “Em sẽ không làm thanh củi xấu trong lò lửa, mà nguyện làm hòn than rực cháy trong lò luyện thép”.

5.  Cách nhìn, cách nghĩ, cách tiếp cận đi liền với cách nói, cách viết hàng ngày.

Về cách nói: trong dân gian đã từng có câu: “Học ăn, học nói, học gói học mở”. Người xưa lại nói: “Ngàn vàng dễ được, lời tốt khó tìm” (Tuân Tử). Truyện Kiều cũng có câu: “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ thì viết: “Dở dang với rượu khôn từ chén/ Trót nợ văn chương phải chuốt lời”… Tất cả đều nói lên một điều: nói hay không dễ, cần phải học để nói hay. Thông thường biết nói hay thì sẽ viết hay.

Hàng ngày, có khi ta nói hàng ngàn câu, nếu ta có ý thức rèn luyện sẽ có nhiều câu nói hay. Muốn nói hay, biện pháp tốt nhất là học tập cách nói trong dân gian, cách nói của các lãnh tụ, các nhà văn.

Ví dụ: Đây là cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân: có lần nhà văn đi dạo ngoài phố, miệng ngậm điếu thuốc đang cháy, có một thanh niên đi tới, không thèm hỏi, rút điếu thuốc trên miệng nhà văn để châm lửa, nhà văn vội bảo:

–  “Này anh bạn, tôi không phải là cái đóm công cộng đâu nhé !”

Phương pháp học văn cơ bản

Cũng như nói, ta vẫn thường viết thư, viết đơn, viết nhật kí, sáng tác v.v… muốn làm văn tốt, phải có ý thức luyện tập từ việc viết những cái đơn giản hàng ngày. Hãy tập thói quen hằng ngày ngồi vào bàn làm việc như một người lao động bình thường viết – cố viết. Không nghĩ ra cũng phải nghĩ cho ra, cũng phải viết. Đừng có chán nản. Viết một chữ, câu bất chợt đến. Rồi chữa. Rồi phát triển. Rồi xóa sạch nếu cần. Nhưng nhất định phải viết – dầu công cốc, dầu tốn giấy mực và thời gian. Hãy đi tận cùng chán nản để vật ngã nó. Việc viết, xóa, sửa chữa, viết đi viết lại tưởng như là vô ích này là những yếu tố tích lũy và kích thích cảm hứng rất tốt.

Như vậy có thể thấy rằng văn học cũng không khó như chúng ta nghĩ nếu như chúng ta cố gắng rèn luyện và có phương pháp học tập đúng đắn, gia sư văn tại nhà chúc các bạn ngày càng yêu thích bộ môn Ngữ Văn này hơn nhé !

4.5/5 - (47 bình chọn)

Để lại bình luận (1)

  • Minh anh: 20 Tháng ba 2023 ,9:13 chiều

    hay

    Trả lời