Những chú ý quan trọng khi viết Văn Nghị Luận lớp 9
Văn nghị luận là kiểu văn bản tương đối khó với học sinh đặc biệt học sinh lớp 9. Bên cạnh việc phải có kiến thức sâu sắc về văn học và xã hội thì các em cần phải có các kỹ năng phân tích, lí giải, bình luận, chứng minh các luận điểm, luận cứ để làm rõ vấn đề. Trong quá trình viết văn nghị luận các em thường gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Câu hỏi đặt ra là đâu là những chú ý quan trọng khi viết văn nghị luận 9 là gì?
Văn nghị luận so với văn tự sự, văn biểu cảm hay văn thuyết minh thì kiến thức và kĩ năng các em đều cần khá nhiều. Vì đó không phải là dạng đề đơn giản là kể lại một câu chuyện, nêu cảm xúc của mình trước một cảnh đẹp….mà văn nghị luận cần có luận điểm, luận cứ và dẫn chứng một cách chính xác, cách lập luận thuyết phục. Từ đó làm cho người đọc tin, nghe và hành động theo mình. Vì thế để làm văn nghị luận tốt thì các em cần chú ý các yếu tố sau:
Văn nghị luận được chia làm kiểu văn nghị luận xã hội và văn nghị luận văn học. Trong hai kiểu văn bản này lại có rất nhiều dạng đề khác nhau, để nắm được đầy đủ các dạng đề này đòi hỏi học sinh cần phải có đầy đủ kiến thức và kỹ năng về văn nghị luận. Cụ thể văn nghị luận xã hội chia thành 3 dạng chính là nghị luận về một hiên tượng đời sống, nghị luận về tư tưởng đạo lí và nghị luận về một vấn đề xã hội trong văn học. Nghị luận văn học chia thành nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích.
Tuy nhiên trong quá trình làm bài học sinh lớp 9 rất hay nhầm lẫn giữa các dạng đề văn nghị luận xã hội, đặc biệt là văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí và văn nghị luận về một hiện tượng đời sống.
– Văn nghị luận về một hiện tượng đời sống là dạng đề về các hiện tượng phổ biến trong cuộc sống như: ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, hiến máu nhân đạo, tính trung thực trong thi cử, nghiện internet…
– Văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí là dạng đề nghị luận về một tư tưởng, nhận thức, đạo lí nào đó như: lòng yêu nước, đức tính khiêm tốn, đức tính kiên trì, ý chí nghị lực, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn….
Ví dụ 1: Em có suy nghĩ gì về hiện tượng bạo lực học đường của học sinh hiện nay? ⇒ Dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống.
Ví dụ 2: Tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ thanh niên hiện nay? ⇒ Dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
Xác đinh nội dung và lập dàn ý trước khi viết
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của việc viết bài văn nghị luận đó chính là phải xác định được nội dung chính và yêu cầu của đề bài. Khi các em nắm được nội dung chính của đề bài thì sẽ tự định hướng cho mình được hướng làm bài, cách sắp xếp các luận điểm, luận cứ một cách rõ ràng nhất. Đồng thời, các em sẽ không bị lạc đề, viết văn một cách mông lung không đúng trọng điểm. Đặc biệt cần xác định rõ yêu cầu của đề bài đề làm đủ ý, tránh sai lầm trong bỏ quên ý hoặc mất điểm trong hình thức làm bài.
Ví dụ 3: Từ nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Viết đoạn văn ngắn khoảng 13 câu trong đó có sử dụng phép thế và thành phần phụ chú. Chỉ rõ những thành phần trên.
Nội dụng chính: Từ vẻ đẹp của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sapa” em hãy nêu suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay ⇒ Cụ thể đó là những phẩm chất đáng quý của anh thanh niên: có lí tưởng sống cao đẹp, yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, khiêm tốn, lạc quan yêu đời, chu đáo, hiếu khách, quan tâm người khác, cống hiến một cách thầm lặng. Từ đó suy nghĩ và liên hệ với thế hệ trẻ hiện nay để làm rõ được thực trạng trách nhiệm của thanh niên hiện nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc như thế nào?
Yêu cầu về hình thức: Viết đoạn văn khoảng 13 câu có sử dụng phép thế và thành phần phụ chú, gạch chân và ghi rõ hai thành phần này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cần có kiến thức sâu sắc về văn học và xã hội? Bởi vì trong văn nghị luận thường đề cập tới rất nhiều vấn đề. Để làm được bài văn thuyết phục hơn thì học sinh cần phải kiến thức về văn bản và xã hội. Cụ thể khi làm nghị luận về tác phẩm văn học thì học sinh cần phải nắm rõ được nội dung cơ bản của các tác phẩm trong chương trình học lớp 9. Từ tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, biện pháp nghệ thuật, đặc sắc về hình ảnh chi tiết trong thơ trong truyện. Tất cả những điều này các em cần phải có để làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học một cách sâu sắc, thuyết phục hơn. Ngoài ra các em còn phải có kiến thức về các hiện tượng xã hội phổ biến hay là những tư tưởng đạo lí, triết lí sâu sắc ở xã hội, từ đó các em mới có thể làm được kiểu bài văn nghị luận xã hội.
Học sinh cần tìm hiểu về kiến thức văn hoá xã hội
Ví dụ 4: Vẻ đẹp của nhân vật Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
Để làm được đề này em cần có kiến thức sau
– Kiến thức về tác giả: Lê Minh Khuê
– Kiến thức về hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm
– Kiến thức về cốt truyện.
– Kiến thức về ý nghĩa nhan đề “Những ngôi sao xa xôi”
– Hoàn cảnh sống của nhân vật Phương Định
– Những phẩm chất đáng quý của nhân vật Phương Định ⇒ Tất cả đều có dẫn chứng cụ thể và bám sát vào văn bản.
Đoạn văn và bài văn là hai hình thức mà đề hay ra khi viết văn nghị luận. Tùy theo yêu cầu của đề bài mà cách viết phải linh động để phù hợp.
Nếu đề yêu cầu là bài văn thì bài làm của học sinh cần có đầy đủ ba phần mở bài thân bài và kết bài. Ở đề này thì học sinh lại dễ dàng làm và thỏa sức trình bày các ý cũng như không lo sợ viết như thế nào thì không bị thiếu ý giống như là viết đoạn văn. Tuy nhiên hiện nay ở chương trình thi lớp 9 thì đề bài đa số là viết đoạn văn khoảng 10-12 câu trong đó có tích hợp một câu tiếng việt, yêu cầu học sinh vừa làm văn nhưng cũng phải nêu được tiếng việt trong đoạn văn của mình làm. Sự thay đổi này góp phần đánh giá được sâu về năng lực học sinh hơn, nhưng cũng làm khó nhiều học sinh bởi cách làm thế nào để viết được đoạn văn đủ ý mà đúng số câu quy định. Vì vậy cách nắm được viết đoạn văn và bài văn thực sự cần thiết trong khi viết bài văn nghị luận.
Ví dụ 5: Viết một đoạn văn ngắn khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp về nhân vật Phương Định trong lần phá bom (truyện ngắn những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê).
Để lại bình luận