Vật Lý lớp 12 các em phải học rất nhiều kiến thức quan trọng liên quan đến đề thi Đại Học như: Dao động cơ học, Sóng cơ học, Dòng điện xoay chiều, Dao động sóng điện từ, Sóng ánh sáng, Lượng tử ánh sáng và Vật lý hạt nhân…Trong đó chương Dòng điện xoay chiều chiếm gần 25% điểm thi Đại Học. Vì thế có thể hiểu rằng việc học tốt chương này hay không sẽ quyết định rất lớn đến sự thành công của bạn trong kỳ thi THPT Quốc Gia.
Tại sao các bạn lại cảm thấy khó khăn khi học chương Dòng điện xoay chiều?
Hổng kiến thức căn bản: Lớp 11 cứ dính tới phần điện tích, điện trường là các bạn bị dị ứng, một phần vì kiến thức khó, một phần vì ngại và lười học. Do đó, dẫn tới tình trạng ngại học Vật Lý khi bước vào lớp 12, nhất là chương Dòng điện xoay chiều.
Tâm lí học chưa ổn định: Những bạn thiếu sự đam mê và nhiệt huyết khi học Vật Lý thường bị thầy cô dọa dẫm chương điện xoay chiều rất khó. Nếu tâm lý của bạn chưa vững chắc thì việc bị dọa nhiều sẽ đâm ra sợ sệt và ngại học là điều đương nhiên.
Chưa có phương pháp học: Chiến lược và kế hoạch cụ thể sẽ quyết định đến 50% sự thành công của bạn. 50% còn lại chỉ là sự kiên trì và chăm chỉ. Nếu phương pháp học không khoa học thì bạn chỉ có thể làm được những dạng thầy cô đã làm sẵn, con khi gặp những dạng bài tập khác đi một chút thì chắc chắn bạn sẽ bị “ tịt “ ngay.
Làm sao để cải thiện được thành tích môn Vật Lý của bạn?
Chương Dòng điện xoay chiều có rất nhiều dạng bài tập dài và khó. Để học giỏi chủ đề này người học cần phải kiên trì, chăm chỉ tìm tòi, học cách tư duy sâu, hiểu được bản chất hiện tượng. Đồng thời, tích cực rèn luyện ở nhà, mua sách tham khảo đọc thêm, tổ chức học nhóm, tìm gia sư Lý cũng là một giải pháp hay và hữu hiệu.
Tiếp đó, bạn cần phân dạng và làm nhuần nhuyễn từng dạng. Sau đây là hai cách phân chia dạng bài tập bám sát và dễ học nhất, cách nào cũng có ưu điểm riêng. Tuy nhiên, đối với những bạn có tính hay quên thì gia sư vật lý khuyên các bạn nên học theo cách thứ hai.
Cách 1: Các dạng được chia như sau:
- Đại cương về dòng điện xoay chiều.
- Tìm các đại lượng trên đoạn mạch xoay chiều có R,L,C.
- Viết biểu thức u và i trên đoạn mạch xoay chiều.
- Bài toán cực trị trên đoạn mạch xoay chiều.
- Bài toán nhận biết các thành phần trên đoạn mạch xoay chiều.
- Dùng giãn đồ vec tơ để giải toán về mạch điện xoay chiều.
- Máy biến áp – Truyền tải điện năng.
- Máy phát điện – Động cơ điện.
Ứng với mỗi dạng bài tập sẽ có các phương pháp để giải nhanh, cần đọc nhiều và đào sâu các dạng, làm nhiều bài tập thì mới có thể giỏi phần này được
Cách 2: Chia theo từng bài và giải quyết mấu chốt trong đó:
a) Bài đại cương dòng điện xoay chiều
Bạn hãy học các đặc điểm của cường độ dòng điện, hiệu điện thế và quan tâm đến độ lệch pha giữa chúng. Để dành phần nguyên tắc tạo ra dòng điện xoay chiều học ở bài máy phát điện xoay chiều 1 pha và 3 pha. Các bài toán tính thời điểm, thời gian, giá trị tức thời, số lần…học theo đường tròn pha.
b) Bài các mạch điện xoay chiều
Ghi nhớ được công thức xác định cảm kháng và dung kháng (nhớ cái của tụ điện, cái còn lại tự suy ra chứ đừng nên nhớ cả 2 cái nếu không sẽ bị loạn). Phải nhớ và tưởng tượng được giản đồ pha, UR cùng pha i, UL vuông sớm pha hơn i, UC vuông muộn pha hơn i.
Sau khi học vững thì nâng cấp lên 2 phần tử, cách làm là tổng hợp vec tơ chung gốc hoặc nối đuôi nhau, nhớ công thức tổng trở, đặc điểm pha giữa u và i.
c) Bài mạch R, L, C mắc nối tiếp
Quan trọng là giản đồ pha vì đây sẽ có rất nhiều công thức quan trọng, chỉ cần vẽ hình ra là ổn thỏa hết. Sau khi vẽ hình ta chỉ cần sử dụng các kiến thức đơn giản của toán như định lí Pitago, Ta-lét,…
Luôn luôn để ý độ lệch pha giữa u và i để biện luận mạch có tính cảm kháng hay tính dung kháng. Các bài tập chủ chốt phần này là tìm giá trị hiệu dụng, cực đại, độ lệch pha, viết phương trình 1,2,3 phần tử.
Chú ý: Học tới đây đừng vội mà học tiếp sang các bài tiếp theo vì sẽ loạn ngay. Đến đây bạn cần dừng lại, nhìn lại đống kiến thức từ đó đúc kết lại. Những điểm mấu chốt cần nhớ là gì? Viết nó ra nếu không chỉ 1 tuần chữ sẽ ra khỏi đầu hết.
d) Bài công suất điện tiêu thụ của mạch điện xoay chiều. Hệ số công suất
Đơn giản là nhớ các hệ thức cơ bản của P để giải các bài thô sơ dựa trên các mạch điện đã học. Nâng cao lên là dạng biện luận công suất – cộng hưởng, biện luận công suất theo R, đây là phần hay thi nên cần học thật kĩ.
Chú ý: Đến đây các bạn đã có một lượng kiến thức khá lớn, hãy tập nhìn nhận bài toán theo hướng ngược lại để có thể hiểu sâu thêm bản chất. Các em có thể tự bịa đề cho mình theo các dạng được học rồi làm thử. Khi đặt bản thân vào người ra đề bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và khách quan hơn nên gặp một dạng bài nào mới hơn một tí sẽ không rơi vào thế bị động. Bịa sai cũng đừng ngại vì càng sai từng nào càng nhớ từng ấy.
e) Bài máy phát điện
Phần này là một phần khá trừu tượng nên cần nhấn mạnh việc học lý thuyết ở phần này để lấy điểm các câu lý thuyết trong đề thi. Bạn nào muốn nâng cao lên phần này thì phải nắm rõ bản chất, làm thật nhiều bài tập, đọc thêm nhiều sách tham khảo.
Tóm lại cố gắng học chương điện chắc ngay từ đầu, không được để hổng bất cứ phần nào, yếu chỗ nào thì phải nghe giảng học lại ngay chỗ đó là học giỏi thôi.
Đôi lời nhắn nhủ
Có khi nào bạn tử hỏi: “Mình học mãi mà vẫn không khá được Điện Xoay Chiều”. Vậy thì các em cũng trả lời câu hỏi này cho thầy: “Một ngày em dành thời gian bao lâu để học? Làm được bao nhiêu dạng bài?. Nếu chỉ chăm chăm lên mạng tìm cách giải quyết mà không chịu dành thời gian hoàn thành ngay những bài tập của ngày hôm nay, thì liệu các em có thành công được không”.
Học tập cũng như trường kỳ kháng chiến vậy? Hãy tỉ tê, tỉ tê từng phần một rồi các em sẽ có niềm đam mê. Chúc các em mau chóng tán tỉnh được em “Dòng Điện Xoay Chiều” thành công nhé !
Để lại bình luận