Học văn có khó không? Làm sao để có phương pháp học hiệu quả? Đó là những câu hỏi mà rất nhiều bạn học sinh đặt ra trong ngưỡng cửa đứng trước kì thi THPT quốc gia sắp tới. Để làm rõ những điều băn khoăn đó các bạn hãy lắng nghe chia sẻ của thủ khoa văn Hà Thị Thanh Thủy, thủ khoa kép đầu vào và đầu ra trường ĐHSP Hà Nội 1.
Thủ khoa Văn: Hà Thị Thanh Thuỷ
Học văn như thế nào?
Văn học là môn học gây khó khăn rất lớn đối với các bạn học sinh, nhất là với các em học sinh nam. Vì nhiều bạn cho rằng đây là môn học dài, khó thuộc, nhàm chán và thiên về năng khiếu. Vậy khó khăn đó sẽ được giải quyết như thế nào?
Gặp gỡ với bạn Hà Thị Thanh Thủy đạt 8,5 điểm môn văn với số điểm tổng ba môn là 28,5 và tốt nghiệp trường Đại học sư phạm 1 Hà Nội với điểm tổng kết 3.77 chia sẻ:
Học văn không phải là học thuộc mà học văn cần có phương pháp và hệ thống kiến thức vững chắc.
– Có kế hoạch và một lộ trình học tập bài bản
Viết rõ công việc mình cần hoàn thành
Giống như trong cuộc sống để đạt hiệu quả một vấn đề nào đó thì bạn cần phải đặt mục tiêu cho mình. Học văn cũng vậy, muốn cải thiện tình hình học tập của mình bạn cần phải đặt ra cho mình câu hỏi “Mình cần học cái gì? Học như thế nào? Và mục tiêu của mình ra sao? Vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào cần lưu ý?
Đồng thời khi xác định được cái gì mình cần học thì bạn cần phải có kế hoạch chi tiết từng phần nhỏ hơn. Kế hoạch càng chi tiết, cụ thể thì việc học tập của bạn càng đạt hiệu quả cao. Văn học có 3 phần quan trọng mỗi người đều phải học đó là văn bản, tiếng việt và làm văn. Vì thế ở 3 phân môn khác nhau của Ngữ văn bạn cần có kế hoạch học tập hợp lí. Nếu bạn chưa tự mình lập ra được kế hoạch chi tiết thì có thể nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ, thầy cô hoặc gia sư môn Văn.
Tuy nhiên việc đặt ra mục tiêu và kế hoạch học tập cho mình rồi đó mới là bước nền tảng, bước quan trọng thứ hai đó là việc thực hiện nó như thế nào? Tất nhiên là khi bạn đặt ra kế hoạch rồi thì bạn cần phải kiên trì thực hiện kế hoạch đó, qua từng ngày luyện tập mà rút ra kinh nghiệm và bổ sung những yếu kém của bản thân mình.
Mặt khác bạn thực hiện kế hoạch phải phân theo mức độ và có mục tiêu nhỏ cho từng giai đoạn, giai đoạn này phải đạt kết quả cao hơn giai đoạn trước. Như vậy qua từng ngày thì bạn tạo được cho mình lập kế hoạch và trở thành con người có nề nếp, kỷ luật hơn.
Ví dụ mỗi ngày bạn tự đặt cho mình mục tiêu đó là luyện 1 đề một ngày để tăng khả năng viết văn và tạo lâp văn bản của mình thì bạn cần kiên trì thực hiện điều đó. Có thể các bạn cho rằng việc đó mất thời gian và vô ích nhưng chính vì mình trong 2 tháng luyện 60 đề mà mình đã đạt được 8,5 văn. Vì thế bạn hãy kiên trì thực hiện theo kế hoạch mà mình đặt ra .
– Học văn theo các chuyên đề
Phân rõ chủ để giúp bạn học chuyên sâu hơn
Văn học bao giờ cũng chia thành các giai đoạn khác nhau và ở mỗi giai đoạn đó thì gắn với các chuyên đề, ví dụ như: chuyên đề văn học trung đại, chuyên đề thơ hiện đại, chuyên đề truyện hiện đại, chuyên đề văn bản nhật dụng, ….Việc học theo các chuyên đề sẽ tạo cho bạn sự liên kết các kiến thức trong văn bản, xây dựng được hệ thống hóa các kiến thức. Từ đó định hình cho mình các luồng kiến thức có liên quan trong từng chuyên đề, việc học tập từ từng chuyên đề cũng dễ dàng hơn.
Ví dụ: Chuyên đề thơ hiện đại bạn được học các văn bản như: đồng chí, bài thơ về tiểu đội xe không kính, đoàn thuyền đánh cá, bếp lửa, khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, nói với con… thì rõ ràng bạn sẽ biết đặc điểm của thơ hiện đại là gì? Từ hình thức và nội dung cũng sẽ khác so với văn học trung đại. Từng kiến thức trong thơ hiện đại đều đề cập đến nội dung là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, lòng yêu nước, sự cống hiến hi sinh của những người dân, người con Việt Nam. Đặc biệt đó còn là tình cảm đẹp đẽ về mẫu tử, bà cháu, hay tình cảm của những người dân dành cho Bác Hồ kính yêu…Hình thức thơ được sáng tác bằng thể thơ tự do, nhịp điệu và vần cũng thoải mái không mang tính quy định như văn học trung đại.
– Luyện tập nhiều để tăng khả năng viết và tạo lập văn bản
Đối với mình mà nói không có sự thành công nào đến dễ dàng nếu như không có sự thực hành hay chính là luyện tập. Dù là môn học nào cũng vậy toán, lí, hóa hay văn, sử, địa đều phải luyện tập. Vì luyện tập bạn không chỉ tạo được thói quen tự viết mà còn tự mình phát hiện ra những lỗi sai, rút được bài học kinh nghiệm từ đó lần sau không tái phạm nữa.
Văn học cũng vậy, không nên học thuộc để rồi lượng kiến thức quá nhiều bạn sẽ bị rối, quên và stress. Vì thế phương án hiệu quả nhất là luyện tập dần dần, ở mức độ từ thấp tới cao. Bác Hồ từng nói “ có công mài sắt có ngày nên kim” và câu nói đó đúng trong mọi trường hợp. Vì bạn đã có kế hoạch học tập hợp lí rồi nên bạn hãy luyện tập kiên trì nhé, mức độ tăng dần để bạn tự phát triển cho mình những kiến thức mới. Trong văn học thì việc luyện tập nhiều nhất đó là trong phần làm văn việc viết bài văn, đoạn văn để tạo lập văn bản.
Làm thế nào đề viết bài văn hay có câu từ trau chuốt, đủ ý mà đúng chủ đề thì bạn cũng cần phải luyện tập. Không ai bỗng nhiên có thể giỏi ở một lĩnh vực, khi mà họ biết mình đang thiếu những gì và không ngừng luyện tập. Cũng giống như việc người Hi Lạp từng nói “ Không ai là hoàn hảo cả, cái hoàn hảo nhất chính là không hoàn hảo” Vì thế việc bạn đang khuyết thiếu lúc này chính là sự kiên trì, nỗ lực cố gắng vì mục tiêu của mình. Mình nghĩ bạn hai ngày nên luyện một đề. Dần dần bạn sẽ thấy hiệu quả thực sự của việc luyện đề.
– Xây dựng cho mình hệ thống lí thuyết cụ thể, chi tiết
Học Văn theo sơ đồ tư duy
Có lẽ đây là vấn đề mà rất nhiều bạn học sinh quan tâm bởi vì sao có thể học hết những kiến thức lí thuyết trong khi chúng quá dài, nhiều. Thực ra mình xin chia sẻ với các bạn là hệ thống lí thuyết cụ thể chi tiết không phải là việc bạn đọc và học thuộc một cách máy móc những câu những từ trong sách hoặc phần giáo viên hướng dẫn. Đó là việc bạn xây dựng cho mình hệ thống các kiến thức văn bản, tiếng việt, làm văn chi tiết, khoa học, dễ hiểu. Nhưng làm thế nào để dễ hiểu khoa học thì bạn nên lập sơ đồ tư duy hoặc hệ thống bảng sơ đồ hóa trong từng phần, chia thành các mục, các nội dung nhỏ để học (Nếu cần thiết bạn có thể tìm gia sư Văn để giúp bạn giải quyết vấn đề này). Thay vì học tràn lan từng kiến thức thì bạn tự vạch cho mình trong từng vấn đề lớn có những vấn đề trọng tâm nào. Luôn luôn tự đặt ra các câu hỏi “vấn đề gì? Như thế nào? Tại sao?
Ví dụ về phần lí thuyết văn bản thì bạn nên lập một bảng sơ đồ hóa về tên tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa nhan đề để học. Nhưng làm thế nào để tránh nhầm lẫn, thì cần trình bày theo thứ tự các năm, ở mỗi bài cần nêu ra các đặc trưng cho dễ nhớ, hoặc liên tưởng với một hoạt động cuộc sống nào đó…
– Đọc thêm nhiều tài liệu sách báo, tài liệu tham khảo để tăng khả năng cảm thụ văn.
Văn học là nhân học, dạy cho con người biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với nhau trong cuộc sống. Vì thế khi đọc văn cần có cảm xúc, có cách nhìn nhận, đánh giá của mình về thế giới xung quanh. Việc đọc các tác phẩm, tài liệu khác sẽ đem đến cho chúng ta nhiều cảm xúc, nhiều cách dùng từ hay, đem đến cho con người nhiều bài học về cuộc sống xã hội.
Đó là tư liệu cũng như thấu kính thu nhỏ khi chúng ta viết về một vấn đề nào đó. Những tài liệu đó hình thành cho con người những rung cảm khác nhau trong cuộc sống, tích lũy cho mình những vốn từ, vốn kiến thức khác nhau khi viết văn. Nhưng cách cảm thụ và rung cảm của mỗi người không giống nhau. Vì thế khi viết bài thì phong cách viết văn của mỗi người khác nhau tạo nên những con người có phẩm chất riêng.
Đó là những gì mình nghĩ và từng làm khi học môn Văn, hi vọng những phương pháp học tập đó sẽ tạo nên hiệu quả đối với các bạn. Chúc các bạn thành công!
Để lại bình luận