Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi Đại Học môn Văn

Kì thi THPT quốc gia môn Ngữ Văn là kì thi cực kì quan trọng cho tất cả các em học sinh lớp 12 có dự định thi Đại Học khối C, Khối D… Vậy làm sao để học đúng trọng tâm và đạt kết quả cao nhất, sau đây gia sư văn Hà Nội xin chia sẻ một số kinh nghiệm bổ ích giúp các em dễ dàng thành công với bộ môn Ngữ Văn này nhé !

Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi đại học môn văn

1.  Phần đọc hiểu văn bản

Phần đọc hiểu trong đề thi THPT quốc gia Ngữ văn thường chiếm khoảng 3 điểm. Để làm tốt phần này,  bạn cần có kiến thức rộng và sâu về văn bản. Các câu hỏi trong đề đọc hiểu thường xoay quanh nội dung, nghệ thuật, chủ đề của văn bản. Đồng thời đề thi sẽ yêu cầu các bạn trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề đặt ra trong văn bản, (với câu hỏi này, bạn chỉ trả lời ngắn gọn theo dung lượng đề bài, khoảng 6-8 dòng). Theo kinh nghiệm của chúng tôi, phần đọc hiểu các bạn chỉ cần trả lời ngắn gọn đủ ý, không cần diễn giải quá nhiều.

Các bạn cần ôn lại các đặc trưng cơ bản của những bài thơ, bài văn, những hiểu biết về cú pháp, từ ngữ chấm câu, cấu trúc, biện pháp tu từ….để có thể dễ dàng tiếp cận các văn bản đọc hiểu. Cần chú ý: trong phần đọc hiểu bạn không chỉ phát hiện ra dấu hiệu đặc sắc về nghệ thuật mà còn phải thấy được tác dụng của những biện pháp nghệ thuật trong biểu đạt nội dung, tư tưởng, cảm xúc của tác giả.

Ví dụ:  Đọc đoạn văn sau đây

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay mân mê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được. (Ngữ văn 12)

Câu 1: Nêu ý chính của đoạn văn.

Câu 2: Nhận xét về kết cấu của đoạn văn?

Câu 3: Nét đặc sắc nghệ thuật trong đoạn văn này?

Câu 4: Giá trị nhân đạo của đoạn văn?

Gợi ý làm bài:

Câu 1: Nêu ý chính của đoạn văn.

Đoạn văn là nỗi niềm của bà cụ Tứ khi nghĩ về thân phận người đàn bà mà Tràng nhặt được để về làm vợ. Bà thương thị, thấu hiểu hoàn cảnh của thị, và lo cho cuộc sống sau này của vợ chồng thị.

Câu 2: Nhận xét về kết cấu của đoạn văn?

      Đoạn văn được viết theo kết cấu diễn dịch. Câu đầu đoạn văn “Bà lão thở dài…” mang ý nghĩa khái quát về tâm trạng của bà. Các câu sau đều nhằm làm sáng tỏ ý câu đầu.

Câu 3:  Nét đặc sắc nghệ thuật trong đoạn văn này?

      Nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc. Bà cụ Tứ có đời sống nội tâm phong phú. Bà nhìn thị, ái ngại và thương cảm. Bà thương cho cả chính mình nữa.

      Thị thì không nói gì. Thị biết thân phận mình bèo bọt, chỉ dựa vào nhà bà cụ Tứ, mà nhà bà cũng đói lắm. Thật là bi kịch.

 Câu 4: Giá trị nhân đạo của đoạn văn là ở chỗ, ngay trong lúc đói, những người nghèo khổ vẫn nghĩ về nhau, cưu mang nhau, bằng lòng với những gì mình có. Đó là vẻ đẹp tâm hồn của những người mẹ khốn khổ như bà cụ Tứ.

2.  Phần làm văn

Phần làm văn sẽ gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học, ở mỗi kiểu bài có điểm cần lưu ý riêng.

Đối với kiểu nghị luận xã hội các bạn cần nắm được cách làm bài nghị luận xã hội với 3 kiểu bài: Nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về tư tưởng đạo lý, nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học; các bạn cần nắm vững bố cục, kết cấu, nội dung chính cần đề cập của từng dạng bài. Chú ý học sinh cần phải tìm hiểu thêm hiện thực đời sống; đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng được xã hội quan tâm nhiều. Các bạn có thể đọc báo, xem tin tức để biết được những vấn đề xã hội quan tâm. Cần ghi lại những số liệu để khi cần, có thể lấy làm dẫn chứng cho bài văn nghị luận. Ví dụ: số liệu về tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường,…trong chương trình thời sự.

Đối với nghị luận văn học Các em cần nắm chắc nội dung, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo của các tác phẩm trong chương trình 12, có một số tác phẩm trọng tâm như:

– Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh (Phần hai: Tác phẩm)

– Tây Tiến – Quang Dũng

– Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm (Trích trường ca Mặt đường khát vọng)

– Việt Bắc – Tố Hữu (Phần hai: Tác phẩm)

– Sóng – Xuân Quỳnh

– Đàn ghi ta của Lor-Ca – Thanh Thảo

– Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường (trích)

– Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân (trích)

– Vợ chồng A – Phủ – Tô Hoài (trích)

– Vợ nhặt – Kim Lân ( thi năm 2016 )

– Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành

– Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi

– Kịch: Hồn Trương Ba da Hàng thịt- Lưu Quang Vũ

– Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu ( thi năm 2015)

Ngoài ra, bạn cần học thêm các tác phẩm lớp 11 từ Thơ mới, Nguyễn Tuân, Nam Cao,… vì đề thi có thể cho dạng so sánh.

Các bạn cần nắm vững cách làm bài một số dạng hay gặp như: phân tích tình huống truyện, nhân vật, đoạn thơ, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng; phân tích giá trị đạo đức, hiện thực trong tác phẩm, tránh bỏ sót ý. Đồng thời, các bạn cần tránh những lỗi thường gặp trong bài viết phân tích thơ như diễn xuôi và phân tích văn xuôi biến thành tóm tắt ý, kể chuyện.

Trong thơ, cần chú ý yếu tố hình thức như ngôn ngữ, hình ảnh, vần, thanh, nhịp điệu, các phép tu từ… để tìm ra những nội dung cảm xúc ẩn chứa bên trong. Các em cần học thuộc 6 bài thơ trong đề cương.

Với văn xuôi, cần nắm được cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ý nghĩa các chi tiết mang tính biểu tượng; các giá trị nội dung của tác phẩm như tư tưởng nhân đạo, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn…Các bạn có thể thử sức với đề thi thử THPT Quốc gia môn văn của các trường trong 5 năm trở lại đây.

Muốn viết được một bài Nghị luận đạt điểm cao, các bạn không chỉ nắm vững kiến thức về tác phẩm, mà quan trọng là phải biết vận dụng kiến thức để làm các dạng đề khác nhau. Bài văn cần có luận điểm rõ ràng, tránh viết dài dòng, lan man. Mỗi khi ra khỏi phòng thi, bạn bè thường hỏi  nhau: “ cậu làm được mấy tờ?”. Nhiều bạn thường có quan niệm sai lầm là viết văn càng dài càng được điểm cao. Thực ra, với một bài thi, thời gian cho cả 3 phần là 120 phút ( trước đây là 180 phút ), các bạn chỉ  cần làm khoảng 2 -3 tờ giấy thi là vừa. Viết đủ ý và sâu sắc là có điểm cao. Gia sư giỏi văn xin chúc các bạn học tập tốt và đạt kết quả cao trong kì thi THPT Quốc Gia.

5/5 - (4 bình chọn)

Để lại bình luận